Thời tiết tại Việt Nam đang vào thời khắc chào hè nên thời tiết lúc này trở nên nắng nóng khó chịu, điều này khiến người tiêu dùng tăng nhu cầu mua sắm các thiết bị gia dụng để giải nhiệt. Bên cạnh đó các siêu thị điện máy liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi để lôi kéo khách hàng, vì thế người tiêu dùng lại rơi vào ma trận khuyến mãi và không biết đâu là thật giả đâu là giả nên người tiêu dùng rất dễ bị mắc lừa.
Các chương trình khuyến mại là cách quảng bá thương hiệu hiệu quả, nhưng một số doanh nghiệp đã có những hành vi không trung thực trong các chương trình khuyến mại mà mình tổ chức. Khách hàng trúng thưởng nhưng không được nhận giải thưởng, hay tổ chức khuyến mại không xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Như trường hợp Công ty TNHH Nước giải khát quốc tế IBC từng bị Cục Xúc tiến thương mại cảnh cáo do có sai phạm trong chương trình khuyến mãi “Vui Tết, khám phá thế giới Pepsi Xanh”. Đây là kết quả đơn khiếu nại của hai khách hàng đã mua được lon nước “Món quà may mắn” có khoen ghi giải Honda SH125 – nhưng không được trả thưởng.
Ngay cả đến một đại gia viễn thông như MobiFone cũng đã bị tuýt còi vì sai phạm có liên quan đến hoạt động khuyến mại không theo pháp luật hiện hành.
Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) – Bộ Công thương đã ra văn bản gửi Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng – Cty thông tin di động (MobiFone) yêu cầu chấm dứt thực hiện chương trình “Triệu phú MobiFone”
Trước đó, theo thể lệ chương trình mà nhà mạng này công bố, mỗi khách hàng nhắn tin tham gia sẽ được nhận một mã số dự thưởng với cơ hội trúng giải cao nhất lên đến 300 triệu đồng. Tuy nhiên, chương trình này đã không đăng kí với Cục XTTM và không được cục chấp thuận. Cục XTTM đã có văn bản yêu cầu đơn vị này giải trình.
Theo luật Thương mại thì hình thức khuyến mại bán hàng với giá thấp hơn giá bán hàng trước đó (bán hàng giảm giá) phải thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản về chương trình khuyến mại đến Sở Công Thương sở tại theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, nhà kinh doanh phải thực hiện thủ tục thông báo đến Sở Công Thương của những nơi tổ chức khuyến mại.
Khi dạo qua khắp các mặt phố tại Hà Nội thì những cửa hàng quần áo, giày dép, treo biển khuyến mại, giảm giá 50% – 70% rất nhiều. Nhưng không biết bao nhiêu trong số những cửa hàng đó đã thực hiện đúng điều luật ở trên.
Chị Lan Anh chủ một cửa hàng bán quần áo trên phố Trương Định khi được hỏi về vấn đề này cho biết: “Tôi là người kinh doanh thì giá cả thế nào là do tôi tự đặt ra, kể cả biển giảm giá thì cũng là tự tôi đề ra trên mức giá mà chúng tôi nhập hàng. Chuyện lời, lãi thế nào thì tôi phải chịu. Chứ tôi có biết là mỗi khi treo biển khuyến mại thì phải trình báo Sở Công Thương đâu.”
Có thể thấy rằng các chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp hay các cửa hàng không phải là các siêu thị lớn thì thường là tự phát và các cơ quan chức năng, có thẩm quyền thì không thể kiểm soát được hết. Trình trạng này dẫn đến việc lợi dụng các chương trình khuyến mãi, một số doanh nghiệp đã đưa hàng kém chất lượng ra tiêu thụ, điều này đã khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào thị trường.
Khuyến mại mà không rẻ
Hiện nay xu hướng giảm giá, khuyến mại không còn chạy theo mùa vụ hay sự kiện nữa mà diễn ra quanh năm nhất là tại các thành phố lớn. Song xung quanh những chương trình giảm giá này là vô vàn những điều bất cập, từ chất lượng sản phẩm đến các chiêu thức lừa đảo khách hàng khiến cho người tiêu dùng bỗng dưng muốn cáu.
Ngày 7/4, anh Đinh Quang Minh (đường Lạc Trung, Hà Nội) tìm đến siêu thị điện máy MM trên đường Trường Chinh để chọn mua một tivi mới đón mùa World Cup sôi động trên đất Brazil sắp tới. Háo hức với mức giảm giá mạnh (lên tới 3 triệu) với sản phẩm tivi Samsung Led Full HD 46F5000 giá gốc 16.900.000 đồng nay chỉ còn 13.900.000 đồng, anh quyết định sẽ rước về nhà. Tuy nhiên, trước khi đặt mua hàng tại đây, anh Minh cũng khảo sát giá cả thêm ở vài siêu thị điện máy khác thì cũng dòng hàng này tại siêu thị điện máy khác giá thậm chí còn thấp hơn 300.000 đồng.
“Chênh lệch 300.000 đồng thật ra không đáng nhưng làm tôi phải lăn tăn suy nghĩ đó là vì mức hỗ trợ 3.000.000 đồng liệu có thật hay không?” – anh Minh nói.
Như vậy cái giá đã giảm là 3.000.000 đồng kia có thực, hay chỉ là chiêu trò của những siêu thị điện máy, để làm cho người tiêu dùng hoa mắt với các mức giá khuyến mại, mà không biết được giá trị thực của sản phẩm. Đây giống như là một hình thức lừa đảo người tiêu dùng vậy.
Một số dòng sản phẩm được khuyến mãi tại các siêu thị so với giá bán ngoài thị trường có sự khác biệt đáng kinh ngạc. Anh Nguyễn Huy Long hiện đang công tác tại Công ty tư vấn Đại học xây dựng sau khi nghe tin tại siêu thị điện máy MM gần nhà có hàng loạt chương trình khuyến mãi giảm giá sốc cũng đến tìm hiểu, tại gian hàng bày bán máy ảnh, nhân viên tên Hiệu của siêu thị nhiệt tình tư vấn cho khách hàng dòng sản phẩm máy ảnh Canon EOS 60D Body đang được tài trợ mức 2.700.000 đồng giá chỉ còn 16.290.000 đồng, tặng thêm thẻ nhớ 4G cùng bao da.
Nhưng thay vì hào hứng khi nghe mức giá giảm “khủng”, anh Long lắc đầu chán nản : “Có giảm giá gì đâu. Tôi là người đam mê chụp ảnh, cũng vừa mới mua cái máy này cho một người bạn tại một cửa hàng chuyên bán máy ảnh trên đường Thái Hà với giá chỉ có 13.870.000 đồng, cũng tặng kèm thẻ nhớ và bao da”.
Có thể thấy rằng bên cạnh những mặt hàng giảm giá thật, ghi nhận thực tế cho thấy không ít sản phẩm đã giảm giá tại siêu thị này nhưng không rẻ hơn giá bán chưa giảm ở siêu thị khác. Ngoài ra, tại một số nơi, sản phẩm được quảng cáo giảm giá “sốc” nhưng vẫn rất đắt so với mặt bằng chung.
Lại phải “thông thái” khi mua hàng?
Nhiều khi có những mặt hàng cùng đề biển khuyến mại nhưng lại khác nhau về giá cả. Có khách hàng vừa mua một chiếc áo phông với giá đã giảm 20% là 200.000 đồng nhưng khi qua một cửa hàng khác thì lại thấy chiếc áo được treo với giá 160.000 đồng cũng với mức giảm 20%.
Như trường hợp chiếc máy ảnh, anh Long ngán ngẩm nói: “Họ không phải giảm giá ít, thực tế có thể thấy họ giảm giá gần 3 triệu đồng nhưng so với các cửa hàng bên ngoài giá vẫn còn cao hơn. Do tôi có sự am hiểu về máy ảnh nên tôi mới có đủ kinh nghiệm để khảo giá chứ những sản phẩm khác thì đành chịu. Từ trường hợp này, tôi nghi ngờ sự giảm giá của hàng loạt sản phẩm khác được các trung tâm điện máy tung hô giảm giá mạnh hiện nay!”.
Vậy thì đâu mới là giá thực của sản phẩm? Bởi vậy khi xem hàng giảm giá, người tiêu dùng cần cân nhắc xem mặt hàng đó có bị đội giá lên không vì hiện nay có nhiều cửa hàng đánh vào tâm lý khách thích mua hàng được khuyến mại nên đã tăng giá trị sản phẩm để rồi mới khuyến mại. Thực tế có những mặt hàng ghi mác hạ giá tới 50 – 70% nhưng chưa chắc giá bán đã thấp hơn giá thực tế.
Nhiều người tiêu dùng tại Hà Nội cho hay việc so sánh trực tiếp giá bán trên website cũng là công cụ hữu hiệu giúp họ nhanh chóng phát hiện ra những doanh nghiệp, siêu thị điện máy có hành vi qua mặt người tiêu dùng như thực hiện các chương trình “giảm giá cũng như không”, tuyên bố giảm từ 10 – 20% nhưng thực chất sau đó giá của sản phẩm vẫn cao ngất ngưởng (như giá bán lẻ đề nghị, hoặc giá bán cũ của hãng) nên thậm chí vẫn còn đắt hơn hoặc chỉ ngang bằng nơi không tuyên bố giảm giá.
Vì vậy, trước khi quyết định mua, khách hàng nên tìm hiểu, so sánh giá tại nhiều điểm bán khác nhau để có giá tốt nhất và xem kỹ để tránh mua nhầm hàng xài thử, hàng trưng bày…
Cẩm Tú/Petrotime
Bình luận Facebook